Phần 2. Thói quen quậy phá
Galois thường tự làm khó mình. Khi còn là học sinh ở trường trung học Louis-le-Grand, nơi Galois trải qua hầu hết tuổi trẻ của mình, chàng không những được mọi người biết tới qua sự thông minh hơn người, mà còn là một thiếu niên với cá tính thay đổi khác thường. Theo hồ sơ lưu tại trường thì mấy năm đầu Galois là “ngôi sao đang lên” đầy hứa hẹn, rồi sau đó biến dần thành một học sinh kém. Năm 16 tuổi, một thầy giáo của Galois bối rối ghi lại: “Tính tình của học sinh này cho dù tôi có dễ dãi mấy cũng phải nói rằng tôi không thể nào hiểu nổi!” Trong khi đó một thầy giáo khác diễn tả rõ ràng sự ghét bỏ: “Không có gì khác ngoài sự lơ đểnh và sự kỳ cục khác thường”, hoặc “ Sự điên cuồng của Toán học đã ám ảnh nó”. Một thầy giáo khác nói: “Nó bỏ thì giờ đến đây để quậy phá các thầy giáo và tự mình làm khổ mình bởi phải chịu hình phạt của nhà trường”. Sau này nhìn lại người ta cho rằng vì Galois rất thông minh, lại có năng khiếu đặc biệt về Toán, cho nên chàng ta không thể có đủ kiên nhẫn với chương trình học của nhà trường. Nhưng đó không phải là tác phong thích hợp với bạn bè, và với cuộc sống chung quanh.
Vào năm 1829, sau hai lần thi không đậu vào được trường Đại học Bách Khoa, Galois thi đậu vào trường kém nổi tiếng hơn, trường Sư Phạm (Chú thích: Sau này, năm 1845, trường mới chính thức mang tên trường Cao Đẳng Sư Phạm=École Normale Supérieure, ENS). Tại đây, Galois trở thành một thành viên hăng hái của phe Cộng hòa, rồi chẳng bao lâu trở thành người chống đối lại ban giám đốc nhà trường, đặc biệt chống lại ông Hiệu trưởng Joseph-Daniel Guigniault. Trong những ngày sôi động của tháng 7 năm 1830, có nhiều cuộc hỗn loạn xảy ra trên đường phố Paris. Sinh viên Đại học Bách khoa có mặt ở hàng đầu của phe Cộng hòa chống lại lực lượng trung thành với triều đình. Khi ấy Hiệu trưởng Guigniault cho khóa cổng trường Sư Phạm, nhốt tất cả sinh viên ở lại trong khuôn viên nhà trường, sợ rằng sinh viên có thể ra ngoài nhập vào lực lượng bạo động. Galois rất bực tức vì mất cơ hội tham gia lực lượng cách mạng. Chàng không thể nào tha thứ cho ông Hiệu trưởng Guigniault, và từ đó mối quan hệ giữa Galois và nhà trường xấu đi. Tháng 12 năm 1830 Guigniault cho công bố một bức thư khiển trách một thầy giáo theo phe tự do của trường. Galois liền nhảy vào cuộc, bênh vực cho người thầy này. Trong một bức thư ngõ đăng trên tờ báo sinh viên Gazette des Écoles, Galois kết tội ông Hiệu trưởng Guigniault “có cái nhìn thiển cận và bảo thủ” và hứa sẽ “lột mặt nạ” ông này. Bức thư có ký tên Evariste Galois nhưng tòa soạn đã gỡ tên người viết. Không mấy khó khăn, vài ngày sau, ông Hiệu trưởng đã tìm ra được tác giả bức thư. Chỉ sau một tháng, tháng 1 năm 1831, Galois bị đuổi học.
Thái độ của Galois tương tự như trong vụ này là thường thấy trong cuộc đời ngắn ngủi của chàng. Nhìn lại, chúng ta thấy tội nghiệp cho ông Guigniault. Ông ta chỉ muốn ngăn học trò của mình không muốn cho dính líu vào sự chống đối dữ dội của các phe phái. Ông đợi cơn bão đi qua. Với Galois thì hành động ấy được coi như là sự phản bội. Với Galois, trong cuộc sống, chỉ có một trong 2 giá trị: Đúng hoặc Sai. Bất cứ hành động nào có tính thỏa hiệp (trung gian) đều bị xem là phản bội và sẽ không được chàng tha thứ. Đối với Galois, chủ trương của phe Cộng hòa là đúng, không thể đảo ngược, đúng như lý luận Toán của chàng vậy. Và Galois sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả ấy, bất chấp hậu quả.
Thái độ gây hấn tương tự của Galois đối với tổ chức các nhà Toán học hoặc các định chế khác (trường học, Hàn Lâm Viện) cũng tương tự. Sophie Germain (1776-1831), nhà nữ Toán học duy nhất thời ấy, trong một bức thư gởi nhà Toán học Guillaume Libri (1803-1869), thành viên Hàn Lâm Viện, bà đã phàn nàn cho tình trạng xấu của giới Toán học Paris. Bà viết:
Rõ ràng là đang có điều không hay xảy ra. Việc làm của ông, việc làm của Cauchy, sự qua đời của Fourier là những ngọn gió chẳng lành thổi qua cuộc đời của người sinh viên này, chàng Evariste Galois. Tuy có một số biểu hiện vô lễ, nhưng chàng có một trí thông minh tuyệt vời trong lãnh vực Toán học. Chúng ta đã làm quá đáng khi loại chàng ra khỏi trường Sư Phạm. Anh ấy bây giờ không có tiền và người mẹ cũng vậy. Trở về nhà, người thanh niên này tiếp tục quậy phá, giống như hôm ông đọc bài giảng ở Viện Hàn Lâm vậy. Mẹ của anh ấy đã bỏ nhà ra đi, chẳng có gì nhiều để lại. Người ta nói anh ấy rồi sẽ trở nên điên, tôi sợ rằng điều này sẽ thành sự thực.” (Livio, Equation that could not be solved, p126-127.)
Sophie Germain (1776-1831) |
Ở ngoài đường phố, Galois tham gia tích cực nhóm “Pháo binh Quốc gia”. Đây là nhóm dân quân quá khích theo phe Cộng hòa chống lại triều đình đã bị Vua Louis Philipe giải thể. Một ngày vào tháng 4 năm 1831, đám cực đoan này tụ họp ở một quán rượu mừng một số chiến hữu vừa ra tù. Tình cờ nhà văn Alexandre Dumas cũng có mặt ở đó. Trong một hồi ký Dumas viết:
Khó mà tìm thấy ở Paris một đám toàn bọn quá khích chống lại triều đình, chúng tụ họp ở đây đông tới khoảng 200 người. Chúng hò reo, thổi còi, hô đảo đảo vua Louis Philipe ầm ỉ. Cách tôi chừng 15, 20 ghế, có một chàng trai tay cầm ly rượu và một lưỡi dao, đứng lên la to nhất. Đó chính là Evariste Galois, một chàng Cộng hòa quá khích. Tôi nghe những lời đe dọa và tên nhà Vua Louis Philipe nữa. Với cái dao đưa lên cao, thì ý đồ đã rõ.
Dumas cho rằng Galois đã đi quá giới hạn của một thành viên phe Cộng hòa. Và Dumas viết: “Rõ rồi, chuyện này chắc chắn sẽ có hậu quả”. Và thật vậy, vài ngày sau Galois bị bắt vì tội hăm dọa giết nhà Vua.
Hai tháng sau, trong phiên tòa, Galois nói: “Tôi dơ ly rượu lên chúc sức khỏe nhà Vua, và nói miễn là ông ấy không phản bội chúng tôi. Nhưng ồn quá, người ta không nghe câu sau, người ta tưởng tôi chúc sức khỏe nhà vua!”.Rồi Galois nói thêm: “Tôi làm sao tin được Vua Louis Philipe không phản bội.” Ông Tòa rất có cảm tình với tuổi trẻ, cắt ngắn phiên tòa và tuyên bố không phạt gì thêm Galois(ngoài 2 tháng đã bị nhốt).
Được tự do chưa được 1 tháng, vào ngày kỷ niệm Cách Mạng 14 tháng 7 năm 1831, Galois lại dẫn đầu một đoàn gồm khoảng 600 thành viên Cộng hòa quá khích, họ biểu tình tiến về phía cầu Pont Neuf. Đích đến của đoàn là công viên Grève đối diện với Tòa Thị Chính, ở đó họ dự trù làm lễ trồng một cái cây gọi là cây Tự Do. Dân Paris đều biết công viên Grève là nơi đặt máy chém từ trước năm 1789; nó tượng trưng cho chế độ cũ và tội ác. Trồng cây Tự Do ở đây phe Cộng hòa muốn nói rằng Cách mạng chưa đi qua đâu, và tội ác của chế độ quân chủ chưa được tha thứ. Vua Louis Philipe rồi sẽ có chung số phận với dòng họ Bourbon và những người tiền nhiệm của ông.
Đó chỉ là một trong rất nhiều sự kiện mà phe Cộng hòa có kế hoạch làm trong ngày kỷ niệm 14 tháng 7. Cảnh sát đã mau chóng hành động. Đêm 13 tháng 7 họ đã hành quân lục soát Paris, bắt những người được cho là cầm đầu. Galois đã nhanh chân tốn thoát. Nhưng ngày hôm sau, người ta thấy Galois và người bạn thân là Ernest Duchâtelet dẫn đầu đoàn biểu tình qua cầu Pont Neuf. Sau đó là 2 chàng này bị bắt, khi ấy Galois mặc đồng phục nhóm “Pháo binh Quốc gia”, mang súng trường, 2 khẩu súng lục, và một con dao (Dupuy, Vie d’Evariste Galois, p. 238).
Galois bị giam 2 tháng trước khi bị đưa ra tòa. Hy vọng được trả tự do tại tòa (như lần trước) là không thể có, vì trong nhà tù Ernest Duchâtelet đã vẽ hí họa trên vách tường, bức tranh hình nhà Vua với cái đầu có hình một cái khiên, bên cạnh có một cái máy chém, dưới có viết câu: “Philipe sẽ mang cái đầu của nó lên bàn thờ. Ô, Tự Do!” Phiên tòa 23 tháng 10 đã xử Galois 6 tháng tù. Sau đó chàng bị giam ở nhà tù Sainte Pélagie.
Nếu sự bỏ tù những người trẻ tuổi vào các nhà tù buồn tẻ là biện pháp cảnh cáo và ngăn ngừa sự quấy rối, thì đó không phải là trường hợp của Galois. Ngày 29 tháng 7, tức là chỉ mới tới nhà tù Sainte Pélagie có 2 tuần, Galois đã có mặt trong đoàn tù nhân lên gặp mặt giám đốc nhà tù để đàm phán. Nguyên cớ là, đâu đó từ các quấy động ngoài đường phố, có một viên đạn bay lạc vào đây, làm bị thương một người tù. Galois không ngần ngại kết án lính canh đã bắn vào tù nhân, và rồi chàng xách động tù nhân sĩ nhục giám đốc nhà tù. Điều này lặp lại câu chuyện Galois đã làm với ông Hiệu trưởng trường Sư Phạm. Kết quả sẽ là vô cùng tệ hại cho Galois: chàng bị bỏ vào ngục tối. Tức thì bên ngoài tù nhân nổi loạn, hô to “Galois bị bỏ vào ngục tối!” Rồi tù nhân chiếm quyền kiểm soát nhà tù. Ngày hôm sau Galois được thả ra khỏi ngục tối (Dupuy, Vie d’Evariste Galois, p. 240-243).
Những gì chúng ta biết được về thời gian Galois ở trong tù là từ François-Vincent Raspail. Đó là một nhà Khoa học, một chính trị gia, một nhà Cách mạng thời ấy, ngày nay được vinh danh ở nhiều nơi: tên đường phố, trạm xe điện… vv. Raspail đã từ chối huân chương cao quý do Vua Philipe trao tặng về những thành tựu Khoa học của ông. Thời gian 1831 ông cũng bị nhốt ở nhà tù Sainte Pélagie vì lý do chính trị. Khi bị đem ra tòa, Raspeil đã nói về Vua Louis Philipe: “Ông ấy xứng đáng được thiêu sống dưới sự đổ nát của điện Tuileries”. Điều này cho thấy không phải chỉ có phe Cộng hòa của Galois mới có những hành động, lời nói gây hấn, chống lại triều đình. Tuy nhiên, qua cuộc đời hoạt động của Raspail, ta thấy ông ấy biết hòa hợp những tình cảm của trái tim cùng những thực tế phức tạp đang xảy ra. Galois thì trái lại, lời nói và hành động của chàng không có dè dặt, không dự trù bước lùi, và bất kể hậu quả.
Raspail hiểu Galois. Trong tác phẩm Cải cách nhà tù: Những bức thư về các nhà tù ở Paris (Réforme pénintentiaire: Lettres sur les prisons de Paris), được xuất bản 8 năm sau các sự kiện trên, ông có kể chuyện thi uống rượu của Galois trong tù. Galois thì có bao giờ biết uống rượu đâu, thế mà chàng đã uống hết ly này đến ly khác cho đến khi đổ gục xuống. Raspail cũng có nói rằng Galois là loại người không biết lùi trước những gì chạm đến danh dự chàng. Cũng theo Raspail, Galois đã có linh cảm ghê gớm rằng chàng sẽ chết vì một người phụ nữ mặc dù “tôi có yêu một người phụ nữ nào đâu” chàng nói.
(còn tiếp)
Tác giả bài viết: Anh Le, Ph.D (Hoa Kỳ)
Được đăng trên www.MathVn.com
Được đăng trên www.MathVn.com