Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Phong trào chuyên Toán: Trăn trở của người trong cuộc

Dưới sự chủ trì của Giáo sư Ngô Bảo Châu, viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tổ chức buổi toạ đàm giữa các nhà toán học, các nhà giáo dục, giáo viên chuyên toán và đại diện một số diễn đàn toán học để bàn về vấn đề bồi dưỡng giáo viên chuyên toán và học sinh giỏi toán.
phong trao chuyen toan
Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Hội nghị Toán học Việt-Pháp (Huế, 8/2012)

Trăn trở của người trong cuộc


Thực trạng đã diễn ra nhiều năm là không nhiều học sinh chuyên toán nói chung và các học sinh đoạt giải học sinh giỏi toán nói riêng tiếp tục theo học toán ở bậc đại học. Hệ quả là các khoa toán ở các trường đại học thiếu sinh viên giỏi, xuất sắc để có thể tiếp tục đào tạo ở cấp học cao hơn, tạo thành lực lượng kế cận sau này. GS Phùng Hồ Hải (viện Toán học Việt Nam) chia sẻ: “Nhiều năm nay tôi tham gia giảng dạy cho các lớp tài năng tại đại học Sư phạm, trung bình trong số 20 em của lớp này chỉ có chừng hai, ba em từng là học sinh giỏi quốc gia”. GS Nguyễn Hữu Dư, tổng thư ký hội Toán học Việt Nam bổ sung: “Khối chuyên toán đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội từ lâu luôn tự hào đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh sau này trở thành những nhà toán học xuất sắc, nhưng vài năm gần đây mạch nước quý đó dường như đã ngừng lại”.

Dưới góc nhìn của các giáo viên chuyên toán thì phong trào dạy và học chuyên nói chung và chuyên toán nói riêng đang chững lại. Học sinh luôn đứng trước sự lựa chọn giữa con đường học chuyên sâu để thi học sinh giỏi quốc gia và con đường học ngoại ngữ để đi du học, thêm vào đó là tác động của những thay đổi chính sách khiến học sinh giỏi không còn quá mặn mà với việc học chuyên. Bên cạnh đó, việc thiếu các chế độ đãi ngộ xứng đáng cũng dẫn đến tình trạng các trường rất khó thu hút giảng viên giỏi về dạy chuyên. TS Đậu Hoàng Hưng, tổ trưởng tổ toán trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An cho rằng việc bỏ các lớp chuyên cấp 2 và kỳ thi học sinh giỏi toán lớp 9 đã khiến các trường chuyên phải vất vả bổ sung các kiến thức rất cơ bản về số học, hình học phẳng cho học sinh. Tiếp theo ý kiến này, GS Lê Tuấn Hoa, chủ tịch hội Toán học Việt Nam cho rằng với cách học vượt, học lướt, học sinh chỉ học được phần ngọn, tức là kỹ năng giải các bài toán theo khuôn mẫu nhất định.

Những cố gắng ban đầu


Mặc dù có những khó khăn nhất định, dù có những lúc bị tác động dữ dội, nhưng phong trào học sinh giỏi toán vẫn tiến về phía trước. Những năm gần đây, với sự tích cực của một số tổ chức, cá nhân, một số hoạt động có tác dụng thúc đẩy phong trào dạy và học chuyên toán đã được tổ chức. Đó là chương trình Trại hè toán học Hùng Vương do hội Toán học Hà Nội và một số trường chuyên vùng Tây – Việt Bắc và trung du Bắc bộ tổ chức, là Olympic duyên hải Bắc bộ, Olympic Hà Nội mở rộng. Ở phía nam, bên cạnh kỳ thi Olympic 30.4 truyền thống có kỳ thi Olympic đồng bằng sông Cửu Long, hội thảo liên kết các tỉnh duyên hải và Tây Nguyên.

Ở viện Toán học Việt Nam, dưới sự tài trợ của quỹ Phát triển toán học Việt Nam, một nhóm cán bộ trẻ của viện (hầu hết đã từng tham dự Olympic toán quốc tế) đã tổ chức CLB Toán học với mục đích cung cấp các kiến thức chuyên toán, luyện tập giải toán và lôi kéo học sinh ham thích toán học. Qua hoạt động của câu lạc bộ, các học sinh chuyên toán đã được học trực tiếp với các nhà toán học và các giáo viên chuyên toán như GS Hà Huy Khoái, GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Phùng Hồ Hải, TS Nguyễn Minh Hà, TS Nguyễn Duy Thái Sơn, TS Phan Thị Hà Dương, TS Nguyễn Chu Gia Vượng, TS Vũ Thế Khôi, TS Lê Anh Vinh… Bên cạnh những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho mục tiêu trước mắt của học sinh là các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh còn được tiếp cận với những khởi đầu của toán cao cấp, làm quen với các vấn đề của toán học hiện đại.

Ở TP.HCM, một câu lạc bộ toán học được tổ chức với các seminar phương pháp toán sơ cấp. Đặc biệt, chương trình Gặp gỡ toán học qua bốn lần tổ chức (từ tháng 1.2010) với nhiều hoạt động phong phú đã thu hút hàng trăm lượt học sinh từ các tỉnh thành tham dự. Đây cũng là dịp để các học sinh yêu toán khu vực phía nam được học và giao lưu với các giáo sư toán học hàng đầu của Việt Nam, với những giáo viên chuyên toán nổi tiếng.

Bên cạnh các hoạt động trực tiếp nói trên, không thể không kể đến những đóng góp của các diễn đàn toán học, trong đó nổi bật nhất là diendantoanhoc.net và mathscope.org. Các diễn đàn là kênh giao lưu chia sẻ tài liệu và kinh nghiệm học tập rất hiệu quả, xoá nhoà khoảng cách về mặt tài liệu giữa các thành phố và vùng sâu vùng xa. Chính nhờ một phần vào những diễn đàn này mới có sự thành công của các học sinh học trường huyện như Võ Văn Huy – huy chương đồng toán quốc tế 2011, Nguyễn Đình Toàn – giải nhất học sinh giỏi toán quốc gia 2012.

Chờ một cú hích


Ghi nhận ý kiến của các đại biểu dự hội thảo và phần báo cáo sơ lược về hoạt động của các câu lạc bộ và diễn đàn Toán học, GS Ngô Bảo Châu gợi ý đại biểu tập trung đề xuất các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy các hoạt động bồi dưỡng giáo viên chuyên toán, bồi dưỡng học sinh giỏi toán và chung hơn nữa là truyền bá toán học. Các cơ chế và động cơ vận hành của các hoạt động hiện hữu nên tiếp tục được phát huy, vấn đề là làm sao tổ chức quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của viện Nghiên cứu cao cấp về toán và chương trình trọng điểm Phát triển toán học Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, có thể nghĩ đến các hoạt động có ảnh hưởng sâu rộng hơn, cần sự đầu tư lớn hơn về nhân lực, tài lực.

GS Hà Huy Khoái, nguyên viện trưởng viện Toán học Việt Nam, người nhiều năm tham gia bồi dưỡng và dẫn đội tuyển Việt Nam dự thi toán quốc tế đề xuất học tập kinh nghiệm của Nga trong việc tổ chức viết các cuốn sách nhỏ để truyền bá toán học và các chuyên đề chuyên toán. Bên cạnh đó, học tập kinh nghiệm một số nước, có thể khai thác sức mạnh của internet qua các lớp học trực tuyến.

Tiếp nối ý kiến của GS Hà Huy Khoái, TS Nguyễn Chu Gia Vượng đề xuất: “Chúng ta có thể bắt đầu chương trình xuất bản sách truyền bá toán học bằng cách dịch các cuốn sách hay của Nga, Mỹ…” Ý kiến này được đa số đại biểu ủng hộ.

Tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham dự, GS Ngô Bảo Châu đưa ra chương trình hành động bốn điểm của nhóm hạt nhân, đó là: tổ chức hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức hoạt động bồi dưỡng giáo viên; tổ chức viết các tài liệu chuyên đề và truyền bá toán học; nâng cao hiệu quả và tính định hướng của các diễn đàn toán học. GS Ngô Bảo Châu cũng đề nghị GS Hà Huy Khoái nhận lãnh trách nhiệm người đứng đầu cho mảng chuyên toán, lịch sử toán học và truyền bá toán học.

Như vậy, phong trào chuyên toán sau những giai đoạn khủng hoảng và thiếu định hướng đã có những tín hiệu ổn định, và đang chờ một cú hích như cú hích năm 2010 mà GS Ngô Bảo Châu đem đến cho toán học Việt Nam.

Theo TS. TRẦN NAM DŨNG (SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét