Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 có một lịch sử khá đặc biệt, vừa có tính chất quốc tế, vừa có tính chất dân tộc, vừa mang đặc trưng của các nhà giáo, của ngành Giáo dục nhưng cũng là ngày hội của toàn dân.
Từ “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”...
Tháng 7/1946, Liên hiệp Quốc tế các công đoàn Giáo dục được thành lập (Fesdesration International Syndicat de l’enseignement) viết tắt là "FISE", trụ sở đặt tại Paris. Năm 1949, tại Hội nghị Vacxava, FISE xây dựng một bản "HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO" gồm 15 chương trong đó có các nội dung chủ yếu là:
- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.
- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.
Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”. Từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957 tại thủ đô Vacxava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia trong đó có Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
... đến "Ngày Nhà giáo Việt Nam"
Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định 167-HĐBT lấy ngày 20/11 là Ngày nhà giáo Việt Nam. Và ngày 20/ 11/ 1982, lần đầu tiên Ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Nội dung Quyết định 167-HĐBT có những điều khoản như sau:
Điều 2: Để ngày Nhà giáo Việt Nam có ý nghĩa thiết thực hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.
Điều 3: Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Uỷ ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp của ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.
Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Điều 4: Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các hoạt động của nhà trường và của địa phương.
Như vậy, ngày 20/11 hàng năm giáo giới tiến bộ thế giới vẫn kỉ niệm ngày mang tên "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Còn ở nước ta, kể từ ngày 20/11/1982, ngày hội của giáo giới Việt Nam có tên gọi riêng là Ngày nhà giáo Việt Nam và ngày này cũng là ngày hội của toàn dân.
Từ đó đến nay, 20/11 là ngày để các thế hệ học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng với thầy giáo, cô giáo - những người đã dày công vun đắp cho chúng ta - những cây đời mãi mãi xanh tươi.
MathVn.Com tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét